Những lưu ý quan trọng khi xây dựng móng nhà

Trong bất cứ công trình nào dù là nhà cấp 4 hay nhà cao tầng thì phần móng luôn là phần được chú trọng nhất. Móng nhà giữ vai trò quyết định đến sự chắc chắn và bền vững cho cả công trình xây dựng. Đây là kết cấu xây dựng nằm dưới cùng của một căn nhà, tiếp nhận trọng lực và truyền tải trọng của cả căn nhà xuống dưới nền đất, giữ độ lún của công trình không vượt qua các trị số quy định giới hạn giữ cho sự ổn định của căn nhà. Chính vì vậy, khâu làm móng càng quan trọng hơn, móng nhà càng tốt thì công trình xây dựng càng an toàn. Để đảm bảo chất lượng và sự an toàn cho móng cũng như toàn bộ ngôi nhà bạn cần lưu ý những điều sau:

Khảo sát địa chất kỹ càng

Việc khảo sát địa chất công trình là khâu quan trọng, mấu chốt. Trước khi tiến hành xây dựng, thông thường nhà thầu sẽ tiến hành khảo sát địa chất, điều kiện đất nền tại địa điểm thi công để tránh tối đa các trường hợp xấu xảy ra như sụt lún công trình, đồng thời giúp đề ra phương án xây dựng nền móng hiệu quả, tiết kiệm chi phí xây dựng.

Loại đất thích hợp để làm móng nhà phải đảm bảo kiên cố, khô ráo, khả năng thấm cao và khó xảy ra tình trạng nghiêng lún. Do đó, chủ nhà không nên xây móng ở những nơi có mức nước quá cao, dễ gây ẩm thấp nhằm tránh được vấn đề sàn nhà bị ẩm thấp, nghiêng lún.

Lựa chọn loại móng phù hợp

Việc lựa chọn móng nhà phù hợp với ngôi nhà là vô cùng quan trọng. Chính vì vậy, bạn cần nắm vững kiến thức về các loại móng thông dụng đối với từng loại nhà ở, sau đó bàn bạc với chủ đầu tư, nhà thầu để kiểm tra và lựa chọn phương án phù hợp nhất cho công trình của mình.

Trong xây dựng có rất nhiều loại móng nhà, tuy nhiên do đặc thù móng phải thích ứng với điều kiện địa chất và công trình cho nên, chỉ có một số loại thường được sử dụng như: Móng đơn, móng cọc, móng bè, móng băng…

Đảm bảo quá trình thi công

Việc đổ móng nhà không đảm bảo sẽ dẫn đến nhiều tác hại nghiêm trọng như: nứt sàn bê tông, thấm sàn, sụt lún, nghiêng, tuổi thọ công trình thấp. Vì thế để đảm bảo chất lượng công trình cần chú ý nghiên cứu, tính toán kỹ lưỡng và thiết kế khoa học.

Quy trình xây móng nhà bao gồm các công việc cơ bản theo thứ tự sau:

  • Đào hố móng.
  • Làm phẳng mặt hố móng.
  • Kiểm tra cao độ lót móng.
  • Đổ bê tông lót và cắt đầu cọc.
  • Ghép cốp pha móng.
  • Đổ bê tông móng.
  • Tháo cốp pha móng.
  • Bảo dưỡng bê tông móng sau khi đổ.

Lựa chọn nguyên vật liệu đảm bảo chất lượng

Lựa chọn nguyên vật liệu thi công móng nhà cũng không kém phần quan trọng. Các nguyên vật liệu phải đảm bảo có chất lượng tốt, do vậy bạn phải thật cẩn thận trong giai đoạn lựa chọn mua vật liệu. Khi xây dựng công trình, chủ đầu tư hoặc chủ nhà không nên quá quan tâm tới giá cả nguyên vật liệu mà nên ưu tiên chọn mua các loại nguyên vật liệu có chất lượng tốt, thương hiệu uy tín. Bởi thực tế giá cả nguyên vật liệu chiếm tỉ lệ phần trăm không quá cao trong chi phí xây dựng công trình. Việc lựa chọn được nguyên vật liệu đảm bảo khiến cho công trình của bạn vừa vững chắc lại vữa có tuổi thọ lâu hơn. 

Lựa chọn nhà thầu kinh nghiệm

Hiện nay có rất nhiều đơn vị thi công có bề dày kinh nghiệm với nhiều mức giá khác nhau. Do đó, trước khi quyết bàn giao công trình nhà ở cho bất kỳ đơn vị nào bạn cũng cần tìm hiểu kỹ càng các thông tin cụ thể về công trình thực tế đã thực hiện, tham khảo ý kiến đánh giá của Khách hàng đã từng sử dụng dịch vụ, đồng thời lắng nghe ý kiến từ chuyên gia.

Giám sát quá trình thi công

Đây là công đoạn mà nhiều chủ nhà thường không chú trọng tới do tâm lý đã khoán cho nhà thầu thi công.  Tuy nhiên, việc giám sát quá trình thi công của nhà thầu giúp đảm bảo theo dõi được tiến độ công trình và tránh các trường hợp mất mát nguyên vật liệu xây dựng hoặc nhà thầu tự ý sử dụng nguyên vật liệu kém chất lượng làm ảnh hưởng đến chất lượng và độ an toàn của công trình. Bên cạnh đó, việc giám sát công trình thường xuyên cũng giúp bạn nắm được đặc điểm công trình để tiến hành các phương pháp điều chỉnh quá trình thi công nếu cần thiết.