Kinh nghiệm thiết kế giếng trời đẹp và phù hợp với ngôi nhà của bạn.

Việc mang ánh sáng tự nhiên và khí trời vào nhà đang là nhu cầu bức thiết của nhiều gia đình hiện nay, nhất là tại các khu đô thị lớn. Trong đó, thiết kế giếng trời là giải pháp rất hữu hiệu, không những giúp ngôi nhà thông thoáng, dễ chịu mà còn mang đến vượng khí, cải thiện phong thủy cho mỗi Gia đình. Tuy nhiên, không phải căn nhà nào cũng có thể thiết kế giếng trời và kích thước giếng cho mỗi căn nhà cũng khác nhau. Loại kiến trúc này đòi hỏi về kỹ thuật và thẩm mĩ khá cao, hiểu được điều này, dưới đây chúng tôi sẽ cùng chia sẻ với các bạn những kinh nghiệm thiết kế hệ thống giếng trời sao cho vừa đẹp, vừa phù hợp với ngôi nhà của bạn:

Giếng trời là gì?

Giếng trời là một khoảng không gian được thiết kế theo phương thẳng đứng, thông từ mái nhà xuống tầng trệt. Do đó những căn nhà như nhà ba gian, nhà cấp 4 sẽ không thiết kế được giếng trời.

Trong các kiến trúc nhà ống hoặc tòa nhà cao tầng, giếng trời đóng vai trò hấp thụ ánh sáng, gió và trao đổi không khí giữa bên trong và bên ngoài. Ngoài ra, một tòa nhà có giếng trời sẽ mang lại mĩ quan bắt mắt.

Ưu điểm của giếng trời

  • Lấy sáng hiệu quả: Trong những ngôi nhà ống mặt tiền nhỏ hẹp, kích thước chiều sâu lớn và đặc biệt là 3 mặt tiền giáp các công trình khác khiến cho ánh sáng từ mặt tiền khó có thể chiếu sáng hết được cho toàn bộ căn nhà. Do đó, việc được các kiến trúc sư quan tâm khi thiết kế nhà phố là phải mang đến cho ngôi nhà sức sống và nguồn ánh sáng tự nhiên. Và giếng trời là giải pháp để mang lại nguồn sáng cho không gian sống hoàn hảo.
  • Thông gió, điều hòa không khí: nhà phố có khoảng không gian eo hẹp nên khó thông gió. Với giếng trời trong nhà, ngôi nhà bạn sẽ luôn có cảm giác trong lành và dễ chịu nhờ vào khả năng lưu thông và trao đổi không khí với môi trường bên trong và bên ngoài của giếng trời. Đây chính là những ưu điểm nổi bật của thiết kế này.
  • Tiết kiệm điện năng: giếng trời có tác dụng lấy ánh sáng tự nhiên nên vào ban ngày, thay vì phải bật đèn trong nhà thì ánh sáng từ giếng sẽ giúp chiếu sáng cho không gian ngôi nhà. Bạn sẽ tiết kiệm được một khoản chi phí nhờ vào việc này.
  • Tăng tính thẩm mĩ cho căn nhà: đây là ưu điểm mà ít người quan tâm đến của giếng trời. Được sống trong một không gian lúc nào cũng tràn đầy ánh sáng lúc nào cũng mang đến cảm giác thoải mái hơn nhiều. Ngoài ra, bạn cũng có thể bố trí một vài tiểu cảnh xanh mát bên dưới giếng trời để tạo nên một không gian ấn tượng và độc đáo cho ngôi nhà.

Một số kinh nghiệm khi làm giếng trời

Chọn kích thước giếng trời hợp lý:

Diện tích xây dựng giếng trời phải phù hợp với tổng thể diện tích toàn bộ căn nhà để không bị thiếu sáng, nhưng cũng không chiếm quá nhiều diện tích khiến các không gian khác bị thu hẹp hoặc gây quá sáng. Theo tiêu chuẩn xây dựng, diện tích giếng trời chiếm khoảng 10% diện tích nhà ở. Nhà càng cao thì diện tích giếng trời càng lớn. Tuy nhiên, không nên làm giếng trời nhỏ hơn 1m2 vì sẽ ảnh hưởng đến thẩm mĩ của cả không gian.

Ví dụ như đối với ngôi nhà có chiều dài từ 10m trở lên thì bạn mới có thể lắp đặt giếng trời có độ rộng khoảng 1 – 2m và còn tùy thuộc vào độ cao của trần nhà để điều chỉnh kích thước (trần nhà càng cao thì kích thước giếng trời có thể điều chỉnh càng rộng).

Vị trí đặt giếng trời:

Tốt nhất bạn nên đặt giếng trời ở giữa nhà để ánh sáng được tỏa đều khắp nhà. Vị trí ở giữa cũng là khoảng không gây ấn tượng nhất, là cách để tạo sự chú ý và thu hút nhất với khách ghi ghé thăm nhà. Tuy nhiên cũng nên cân đối với diện tích thiết kế các phòng cho phù hợp để tối ưu công năng và diện tích sử dụng, tránh gây hỏng nội thất và đồ dùng trong nhà. Bên cạnh đó, có thể tùy theo tuổi, mệnh của gia chủ để đặt giếng trời ở hướng Đông, Tây, Nam hay Bắc.

Trang trí giếng trời:

Bất kể giếng trời nào cũng gồm có 3 phần cơ bản là:

  • Đáy giếng: Đây là phần ở tầng dưới cùng, dùng để trang trí tiểu cảnh, bố trí cây xanh, hòn non bộ kết hợp không gian tiếp khách cũng như làm phòng ăn.
  • Thân giếng: có chức năng chiếu sáng cho các tầng.
  • Đỉnh giếng: Có vai trò chiếu sáng và thông gió, có mái kính và hệ khung mái.

Khi trang trí cần lưu ý đến các bộ phận của giếng trời:

Với phần đỉnh giếng sẽ có hệ khung mái và mái kính kết hợp khung sắt bảo vệ. Vì vậy bạn có thể trang trí phần đỉnh giếng này bằng chính hệ khung mái và sắt này. Ánh nắng khi chiếu xuống sẽ tạo hình đổ bóng đẹp lên tường. Bạn có thể tô điểm thêm bằng cách sử dụng các vật dụng trang trí nhẹ nhàng, không tạo lực cho giếng trời nếu không sẽ rất nguy hiểm khi sử dụng.

Với phần diện tích xuyên tầng của giếng, bạn có thể xây, ốp trang trí và phối kết hợp treo cây xanh chiếu sáng. Chú ý không sử dụng gạch ốp bề mặt nhẵn, vì khi đó tiếng ồn sẽ rất vang gây ảnh hưởng đến sinh hoạt.

Phần đáy giếng có thể tạo tiểu cảnh, kích thích luồng sinh khí thu được từ giếng trời. Bạn có thể thiết kế vườn nhân tạo, bể cá cảnh cũng rất phù hợp nhé.

Nguồn: Tổng hợp