Nhà chống bão – nguyên tắc thiết kế nhà chống bão

Thiết kế và xây dựng nhà ở vùng gió bão là một trong những vấn đề cầnd được phân tích cụ thể để có thể giảm tác động của gió bão, hạn chế thấp nhất thiệt hại gây ra. Dưới đây là một số phân tích và các giải pháp kỹ thuật cơ bản nhằm tăng cường khả năng chịu gió bão cho nhà dân xây dựng trong vùng chịu ảnh hưởng mạnh của gió bão.

1. Lựa chọn địa điểm

Trước hết, cần lựa chọn những khu vực khuất gió để bắt đầu thiết kế. Tuyệt đối không xây dựng tại những nơi trống trải hay những địa điểm có hướng gió biển hoặc gió của hồ nước lớn. Trong trường hợp, không thể chọn ra được địa điểm khuất gió thì cần thiết phải tính đến giải pháp trồng cây xanh nhằm mục đích làm vật cản, giảm bớt tác động trực tiếp của gió bão vào căn nhà. Và đặc biệt lưu ý thường xuyên tỉa bớt cành to, cành sum suê để tránh tình trạng đổ cây vào căn nhà khi có mưa bão lớn ập đến.

Không nên xây nhà nơi trống trải

2. Về kiến trúc

– Để tránh tạo luồng gió xoáy và túi gió, cần kiến trúc nhà thành các cụm, so le nhau, tuyệt đối không xây dựng theo đường thẳng.

– Khuôn nhà thiết kế hình chữ nhật là phù hợp nhất, nên để chiều dài gấp 2,5 chiều rộng.

– Tránh thiết kế nhà chữ T hoặc chữ U tại các địa phường thường xuyên hứng chịu các cơn bão lớn trong năm và không nên xây dựng tường nhà quá cao mà không có các biện pháp gia cố chắc chắn.

Nên thiết kế nhà theo khuôn hình chữ nhật

3. Về kết cấu

Phần kết cấu nhà chính là khung xương của căn nhà, giải pháp về kết cấu được nhắc tới đầu tiên bởi kết cấu đảm bảo vững chắc thì mới có thể đảm bảo sự kiên cố để tiến hành tiếp phần việc khác. Kết cấu của ngôi nhà tránh bão cho bà con phải là một kết cấu chịu lực không cầu kỳ và thật rõ ràng, chi tiết. Những phần kết cấu để tạo tổng thể căn nhà nên có độ cứng tốt theo 3 phương hướng và tạo được giải pháp chống xoắn chất lượng nhất.

Mọi bộ phận của kết cấu nhà này cần được cố định vào các điểm cứng, chắc để chống được tác động của gió bão. Nhất là phải thiết kế được hệ thống giằng co, có nghĩa là phải mang tính đàn hồi, đồng thời liên kết các bộ phận thành một khối để thêm lực mạnh chống xô đổ cho ngôi nhà.

4. Về phần mái

Mái nhà nên để độ dốc hợp lý, thông thường sẽ rơi vào khoảng 30 – 33 độ. Đối với mái nhẹ có độ dốc sẽ rơi vào khoảng 5 – 10 độ sẽ rất dễ bị tốc, do đó cần hạn chế các thành phần chìa ra ngoài tường của mái (Phần chìa ra ngoài của mái nên để nhỏ hơn 50cm khi có trần và nhỏ hơn 30cm khi không có trần).

Mái nhà nên có diềm để hạn chế tác động trực tiếp từ luồng gió lên phần đầu mái. Nếu là mái hiên thì nên làm hiên rời để nếu bị tốc sẽ ít ảnh hưởng tới mái chính của nhà; hoặc giải pháp khác có thể làm hiên nhà bằng bê tông cốt thép.

Mái hiên rời hạn chế ảnh hưởng tới mái chính của nhà

5. Về phần lõi

Ngôi nhà tránh được sự khắc nghiệt của bão tốt nhất thì phải có một phần lõi cứng, bạn cần thiết phải chọn lựa một phòng hoặc một khu vực trong ngôi nhà làm lõi cứng cho toàn bộ công trình. Lõi cứng có thể xây dựng bằng gạch, xi măng…với độ dày tối thiểu 22cm. Phần lõi an toàn này sẽ là nơi tốt nhất để tạm trú ẩn, cất giữ tài sản, lương thực mỗi khi bão đổ bộ.

6. Về phần móng

Móng cần chắc chắn, đủ lực để neo giữ các kết cấu của nhà. Mưa bão thường đi kèm với ngập lụt, vì thế kết cấu móng còn phải đảm bảo luôn khô ráo, vật liệu không bị hỏng khi bị ngập lụt, chịu lực tốt trong tình trạng ngập nước. Thường người  ta sẽ dùng móng gạch đá hoặc bê tông cốt thép để xây nhà chống bão. Tại các chân cột bố trí móng neo bằng thép để neo các chân cột..

Xây móng nhà vững chắc hạn chế thiệt hại do bão